Trả lại tiếng nói cho bệnh nhân sau hai năm bị mất tiếng

Theo http://baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=5&id=351&newsid=20100826180632
Trần Công Nhân vui mừng được nói trở lại sau 2 năm bị mất tiến

(TTH) –  Sau khi được bác sĩ chuyên khoa II Võ Lâm Phước, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng cùng tập thể trong khoa phối hợp khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện phương pháp cắt, nối khí quản thành công, Trần Công Nhân 21 tuổi, quê ở Quảng Ngạn, Quảng Điền như vừa được hồi sinh sau 2 năm bị câm vì phải mang ống mở khí quản ở trên cổ để thở. Sức khoẻ Nhân đã tốt lên rất nhiều sau ca phẫu thuật.

Ngày gần ra viện. Gặp tôi, Nhân cười rạng rỡ. Em nói đủ thứ chuyện. Nhất là chuyện từ khi em bị tai nạn, phải mang trong mình một công cụ để hỗ trợ việc thở. Chuyện em thất vọng, chán đời, câu chuyện đang dang dở câu chuyện thì một người đàn ông chừng trên 50 tuổi có khuôn mặt rất giống Nhân xuất hiện với nụ cười tươi tắn. Đó là ông Trần Định, cha của Nhân. Ông Định nói: “Cả 2 tuần nay, từ khi khí quản của cháu thực hiện cắt, nối thành công, lúc nào cháu cũng tươi cười. Nói chuyện liên tục. Không bù cho những ngày trước…”.

Ông Định kể tiếp, cách đây 2 năm, Nhân bị tai nạn do uống phải thuốc trừ sâu, cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế ( BVTƯH). Nhân phải thở máy trong thời gian khá dài. Sau khi được cứu sống thì khí quản có vấn đề: Bị sẹo làm hẹp do quá trình đặt ống nội khí quản (NKQ). Kể từ lúc đó, Nhân không thể thở được bằng đường tự nhiên. Bác sĩ phải mở một đường ở cổ và gắn vào đó một ống thở bằng kim loại. Cũng từ đó Nhân trở thành người khuyết tật: Bị mất tiếng nói! Bao nhiêu dự định, ước mơ của chàng trai 19 tuổi bị sụp đổ. Từ một chàng trai nhanh nhẹn, hoạt bát, hay hát, bỗng trở thành một người không thể nói được và không đủ sức khoẻ để làm bất cứ việc gì. Không còn sự hồn nhiên, yêu cuộc sống như trước đây nữa, Nhân trở thành một “ông cụ non”, luôn u buồn, cáu gắt và nước mắt luôn chảy dài trên gương mặt khôi ngô. Phải đeo trong người một dị vật phiền toái, vì sau mỗi bữa ăn, hoặc khi bị nước bọt tràn vào ống thở thì rất nguy hiểm (bị ngạt, phải tháo ống ra làm vệ sinh).

Sau một năm đeo ống thở (ống nong khí quản), khí quản không thông được, ống thở mất tác dụng, phải vào viện để phẫu thuật thay ống thở khác. Mỗi ống thở 3 triệu đồng. Chưa kể tốn kém khác. Việc mua ống thở phải gửi tận Hà Nội, rất khó khăn vì phải mất thời gian khá lâu mới có hàng.
– “Tôi trở thành kẻ vô dụng. Tương lai mù mịt. Chán nản và nhiều lần chỉ muốn kết thúc cuộc đời càng sớm càng tốt, nhưng tôi không đủ can đảm. Thật may mắn. Lần thực hiện thay ống thở mới này gặp lúc bác sĩ (BS) Võ Lâm Phước quyết tâm thực hiện kỹ thuật cắt, nối khí quản cho tôi.
Trước lúc thực hiện kỹ thuật này, BS Phước cảnh báo: Nếu thành công thì sẽ trở lại nói được như trước đây. Nếu không thành công có thể bị biến chứng, mất tiếng nói suốt đời, hoặc tử vong. Vì khát khao được nói, nên tôi chọn ngay phương án phẫu thuật cắt nối khí quản đầy mạo hiểm”. Nhân xúc động kể. Ông Định cho biết: “Nghe bác sĩ nói thế, gia đình cũng băn khoăn, lo lắng lắm, nhưng phải tôn trọng quyết định của Nhân. Một niềm an ủi duy nhất của gia đình tôi lúc ấy là tin vào trình độ chuyên môn của bác sĩ”.
Niềm vui của BS Phước cũng không kém so với niềm vui của hai cha con ông Định khi ước mơ nói được của Trần Công Nhân trở thành hiện thực. Đây là lần đầu tiên tại miền Trung – Tây Nguyên, kỹ thuật này được triển khai thành công. Trước khi tiến hành, BS Phước phải vượt qua nhiều áp lực, vì thực hiện kỹ thuật này rất khó, dễ xảy ra tai biến. Nếu không cẩn thận, vết cắt dài quá, không giải phóng được cơ trên và cơ dưới, vết thương sẽ bị bục, tỷ lệ tử vong cao, hoặc sẽ gây tổn thương dây thần kinh hồi qui về lâu dài làm rối loạn phát âm, thông khí phổi bị giảm. Nếu thất bại không chỉ gây thiệt hại về phía bệnh nhân mà uy tín của phẫu thuật viên cũng bị ảnh hưởng. Không ít bác sĩ trong khoa cũng băn khoăn vì khoa chưa có kinh nghiệm thực hiện. Riêng BS Phước rất tự tin vào trình độ chuyên môn của đồng nghiệp và vào kinh nghiệm của bản thân . Ông đọc tài liệu, biết có trường hợp vùng sụn khí quản bị teo khoảng 4cm vẫn tiến hành cắt nối thành công, trong khi vùng sụn khí quản của bệnh nhân Trần Công Nhân chỉ bị teo khoảng 3cm. Vấn đề là phải chẩn đoán chính xác được tình trạng của vùng khí quản bị teo đó ra sao mới có phương pháp điều trị đúng.
Thật may, ông nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Khoa Chẩn đoán hình ảnh với máy CT scanner 64 lát cắt cho hình ảnh rõ nét, chất lượng, lại được sự động viên, ủng hộ của Ban Giám đốc Bệnh viện, đồng nghiệp Khoa Gây mê hồi sức.
Việc phẫu thuật cắt, nối khí quản cho bệnh nhân do bác sĩ Phước chịu trách nhiệm thực hiện trong vòng 5 giờ đồng hồ. Quá trình cắt, nối khí quản hết sức cẩn thận, bệnh nhân an toàn về tính mạng, nhưng có nói được không, vẫn phải chờ sau thời gian 15 ngày mới biết được, vì khi đó mới có thể khẳng định việc phẫu thuật không gây biến chứng.
Sau 7 ngày phẫu thuật, Trần Công Nhân không tin rằng mình lại có thể nói trở lại như xưa. Câu nói đầu tiên khi Nhân nhìn thấy mẹ là: “Mạ ơi! Con nói được rồi”! Hai mẹ con cùng khóc. Tuy đã có hy vọng, nhưng hàng đêm kể từ ngày thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt, bác sĩ Phước vẫn chưa thể ngủ yên vì đây vẫn là thời điểm nhạy cảm, biến chứng vùng mổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ đến khi đúng ngày thứ 15, BS Phước cùng đồng nghiệp của Khoa Tai-Mũi-Họng mới trút được gánh nặng. Vậy là, bệnh nhân Trần Công Nhân đã trở lại nói được vĩnh viễn. Đánh dấu thành công lớn của khoa Tai-Mũi-Họng, triển khai thêm một kỹ thuật phức tạp, đem lại niềm hy vọng cho nhiều bệnh nhân hiện đang trong tình trạng bị khuyết tật khí quản do tai nạn.
Sau thành công đối với bệnh nhân Trần Công Nhân, BS Phước triển khai tiếp cắt, nối khí quản cho bệnh nhân Trần Dũng, 31 tuổi,ở Hương Hồ (Hương Trà). Cũng giống như trường hợp của Nhân, Dũng phải đặt ống NKQ cấp trong khi phải nhập viện, cấp cứu dài ngày sau khi bị tai nạn xe máy chấn thương não, sau đó bị hẹp khí quản do bị sẹo. Cha của Dũng cho biết, Dũng mang ống thở đã 2 năm 3 tháng. Sau khi bị mất tiếng và đeo dị vật ở trên cổ, Dũng đã bị người yêu từ chối. Hơn 2 năm qua, Dũng sống trong tâm trạng đau khổ, bức xúc, mất phương hướng. Lần này đến bệnh viện với mục đích thay lại ống thở. Khi biết Trần Công Nhân vừa thực hiện thành công kỹ thuật cắt, nối khí quản, Dũng xin được điều trị theo phương pháp này. Ngày 25-8, Dũng đã được cắt chỉ và nói trở lại sau 2 tuần điều trị.
Chúc mừng thành công của BS Phước, tôi vẫn thấy nỗi băn khoăn hiện rõ trên gương mặt ông.”Tôi biết có một bệnh nhân người dân tộc ở A Lưới cũng đang mang ống thở mà tôi đã điều trị cách đây vài năm. Tôi đang tìm cách liên hệ để đưa bệnh nhân đó về bệnh viện. Kiểm tra nếu vùng sụn khí quản bị teo từ 3cm trở xuống, tôi sẽ xin bệnh viện miễn phí để thực hiện cắt, nối khí quản cho trường hợp này”. BS Phước nói.
Không chỉ từ bệnh nhân quê ở A Lưới, mà tất cả những bệnh nhân ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nếu đang trong tình trạng phải mang ống thở mà không nói được vẫn có cơ hội tìm lại tiếng nói của chính mình tại Khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Trung ương Huế. Tôi hy vọng như vậy.
Đinh Hoàng Xuân Hồng – ND

3 responses to this post.

  1. Posted by nguyen duc phu on 04/10/2010 at 8:34 chiều

    ở Huế làm được những phẫu thuật cao là rất hay
    bs Thắng sẽ còn phát huy tài năng nũa
    tôi cảm thấy vui lắm vì đã từng học ở huế
    bv Trung ương nên mời bs Thắng ở lại bv vì ngoài học giỏi, phãu thuật được, ăn nhậu cũng tốt, anh văn ok, bs Thắng còn viết báo tiếng việt đọc cũng xúc động lắm…

    Trả lời

  2. Posted by nguyen duc phu on 04/10/2010 at 8:42 chiều

    bs Thắng thêm hình nội trú có mấy người nt khóa 06 09 để Hiền, Khôi, Thịnh thấy có hình của mình nên thường xuyên vào hơn và……..tui cũng zậy heeeee
    cảm ơn…….

    Trả lời

    • Anh có tấm nào ghi hình của mấy anh chung không, không thì hình riêng cũng được. Lập nên một diễn đàn chung cho mấy anh em giao lưu với nhau dù đã tốt nghiệp rồi.

      Trả lời

Gửi phản hồi cho nguyen duc phu Hủy trả lời